Theo các nghiên cứu từ trước tới nay, việc sử dụng đậu nành có thể làm giảm lượng cholesterol trong máu 10-15%. Lượng cholesterol càng cao thì hiệu quả sử dụng đậu nành càng rõ. Kể cả khi bệnh nhân đã ăn chế độ ít béo, ít cholesterol, nếu ăn thêm đậu nành vẫn có tác dụng hạ thấp hơn nữa lượng cholesterol trong máu. Do vậy, ăn đậu nành được nhiều bác sĩ coi là cách chữa bệnh vừa hiệu quả, lại ít tốn kém và không độc.
Cholesterol chỉ gây tác hại cho mạch máu nếu bị oxy hóa. Đậu nành không những làm giảm cholesterol mà còn ức chế khả năng oxy hóa của chất này. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản cho biết, đạm đậu nành hoạt động như một chất chống oxy hóa mạnh. Ngoài ra, nó còn có khả năng ức chế sự kết hợp cholesterol thành các tổ chức clot - bước quan trọng dẫn đến rối loạn hoạt động của tim, tạo nên các cơn đau tim.
Năm 1990, Viện ung thư Quốc gia Mỹ đã xem xét vai trò của đỗ tương trong phòng bệnh ung thư và xác định ở đậu nành có năm nhóm chất chống ung thư. Trong đó, người ta đặc biệt chú ý đến tác dụng chống ung thư của isoflavone, một nhóm hóa chất gần như không tồn tại trong các thực phẩm khác ngoài đỗ tương. Tác dụng chống ung thư của đậu nành được giải thích là do isoflavone của nó đã tác động như một anti-oestrogen, làm vô hiệu hóa tác động của oestrogen, giống như thuốc Tamoxifen đang được dùng rộng rãi và có kết quả trong điều trị ung thư vú.
Một trong các isoflavone của đậu nành được nghiên cứu nhiều nhất trong 7-8 năm qua là genistein. Hơn 40 công trình nghiên cứu của nhiều đại học danh tiếng trên thế giới đã chỉ ra rằng genistein có khả năng ngăn chặn sự phát triển của khối u. Bên cạnh việc ngăn cản sự hình thành các mạch máu mới (một điều kiện tiên quyết để khối u phát triển), genistein còn ức chế các men (enzyme) trong các loại tế bào ung thư, và do đó, nó được coi là chất có khả năng phòng chống nhiều thể ung thư khác nhau.
Theo giáo sư Walter Willet, chuyên gia của Quỹ nghiên cứu ung thư thế giới, 32% tử vong do ung thư ở Mỹ có thể tránh được nếu người dân chịu thay đổi cách ăn. Ông cũng khuyên mỗi ngày ít nhất phải có một món ăn rau, lá và mỗi tuần không được ăn quá một lần thịt bò. "Chúng ta không trông đợi sự thay đổi đột ngột - yêu cầu dân Mỹ thay ngay món bít tết bằng đậu phụ, nhưng phải kiên trì cũng như ta đã kiên trì trong việc tuyên truyền chống hút thuốc lá", giáo sư Willet nói.